Xôi ngũ sắc là món ăn quen thuộc của nhiều dân tộc trong mâm cơm cúng ngày Tết hay đãi khách. Nguyên liệu và cách chế biến xôi ngũ sắc của các dân tộc cơ bản giống nhau, tuy nhiên, mỗi dân tộc, mỗi vùng đất, món ăn này lại có những đặc điểm rất riêng. Hãy cùng đến với vùng đất Thượng Yên Công (TP Uông Bí) để tìm hiểu về những nét khác biệt, độc đáo của món xôi ngũ sắc ở đây.
Món xôi ngũ sắc của người Dao Thượng Yên Công (Uông Bí).
Xôi ngũ sắc không chỉ là món ăn ngon, độc đáo mà còn mang ý nghĩa về văn hóa, truyền thống. Xôi ngũ sắc tất nhiên phải có 5 màu. Nhưng tại sao lại là 5 màu mà không phải là 6 hay 7 màu? Trong quan niệm của người Dao, 5 màu của món xôi tượng trưng cho ngũ hành - những yếu tố cấu thành nên đất trời, vạn vật. Ngoài ra, những màu sắc rực rỡ, tươi tắn của món xôi ngũ sắc cũng chính là lời nguyện ước về cuộc sống an lành, may mắn, mùa màng bội thu.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm có gạo nếp và các loại lá cây rừng để nhuộm màu cho hạt gạo. Xôi ngũ sắc đúng chuẩn Thượng Yên Công phải được chế biến bằng gạo nếp nương thu hoạch từ những cánh đồng màu mỡ của thôn Tập Đoàn, Khe Sú. Hạt gạo nếp nương có hình thuôn dài, màu trắng hơi nhạt chứ không trắng tinh như nếp cái hoa vàng. Đặc biệt, hạt gạo phải được sàng kỹ những hạt vỡ, tấm để tránh bị nát hay nở không đều trong quá trình chế biến. Bên cạnh những màu sắc quen thuộc của món xôi ngũ sắc như: Màu trắng của hạt gạo, màu xanh từ lá giềng, lá gừng hoặc lá nếp, màu vàng được nhuộm từ nghệ, màu đỏ từ lá cẩm đỏ, xôi ngũ sắc của người Dao ở Thượng Yên Công còn có màu đen từ lá thau thau.
Lá thau thau là loại lá rừng có sẵn tại Thượng Yên Công. Lá thau thau có quanh năm nhưng loại lá bánh tẻ được thu hoạch vào tháng 3 âm lịch sẽ cho ra món xôi có màu đen bóng đẹp nhất. Xôi đen chế biến từ lá thau thau ngoài mùi thơm đặc trưng còn có vị bùi bùi khá lạ miệng. Nếu như các loại lá, củ khác chỉ cần được giã nát, vắt lấy nước cốt để nhuộm màu gạo thì cách chế biến lá thau thau có cầu kỳ hơn chút. Người ta chọn loại lá bánh tẻ, đem giã nát, ngâm nước qua đêm. Sau đó lọc lấy nước cốt, đem đun lên đến khi kết tủa. Nước màu này sau khi để nguội được dùng để ngâm gạo, tạo màu đen cho xôi.
Xôi ngũ sắc là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày lễ, Tết của người Thượng Yên Công.
Cách đồ xôi để cho hạt xôi nở đều, mềm dẻo cũng là một bí quyết của những phụ nữ người Dao ở Thượng Yên Công. Xôi đồ trên bếp phải được giữ thật đều lửa. Nồi đồ xôi phải thật kín. Xôi đồ vừa chín tới, hạt gạo nở căng tròn, dẻo mềm, không nát và bắt đều màu. Nhờ tinh dầu tiết ra từ các loại lá, củ dùng để nhuộm gạo mà từng hạt xôi ngũ sắc luôn bóng đẹp.
Xôi ngũ sắc trong mâm cơm cúng tổ tiên hay mâm cơm đãi khách quý thường được ăn kèm với các món như thịt nướng, giò xào… Tuy nhiên, bản thân món xôi ngũ sắc với tổng thể hài hòa cả hương và sắc đã đủ khiến cho thực khách khó có thể chối từ.
Món xôi ngũ sắc hiện nay đã được đưa vào thực đơn của các nhà hàng trên địa bàn xã Thượng Yên Công. Tuy nhiên, nếu muốn được thưởng thức món xôi ngũ sắc đúng chuẩn, hãy đặt trước ít nhất 2 ngày để đầu bếp có thể chuẩn bị nguyên liệu.
Theo Thu Trang (Đài Uông Bí)
Nguồn: baoquangninh.com.vn (28/01/2018)