Chạo bạn Mỹ Linh;
Đúng như bạn nói, thịt vịt là một trong những thực phẩm có vị khá đặc trưng và hơi nồng, do đó nếu trong quá trình nấu mà không biết cách khử mùi thì món thịt vịt sẽ mất đi phần hấp dẫn. Để món vịt không bị hôi, trước khi luộc các bạn nên bóp với chút muối, tiêu, gừng đập dập. Ngoài ra, có thể cho thêm chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi mới rửa lại với nước sạch, để ráo rồi mới đem luộc.
Tiếp theo, cho một mẩu gừng đập dập vào nồi luộc. Với cách làm như vậy thịt vịt sẽ hết mùi hôi mà món vịt của bạn sẽ trở nên thơm ngon, hấp dẫn hơn đấy!
Chúc bạn thành công với món miếng măng vịt của mình nhé, thật đơn giản phải không nào!
Chào Thoa;
Mứt dừa của bạn gặp phải tình trạng chảy nước có thể là do chưa được sên kỹ và bỏ vào hũ lọ chưa đậy kín nắp.
Để tránh tình trạng mứt dừa non bị ướt, bạn nên mang mứt dừa sau khi bỏ từ chảo ra đã khô thì nên hong thêm một lần nữa trước quạt. Hoặc có thể đem phơi nắng hoặc cho vào lò sấy ở nhiệt độ 100 độ C trong 15 phút cho mứt dừa khô hẳn.
Còn một cách khác mà bạn cũng có thể áp dụng đó là bỏ phần dừa bị ướt đó lên chảo sên lại và đảo thật đều tay, mứt dừa sẽ trở nên khô ráo hơn. Sau đó cho vào hũ, lọ hoặc túi buộc thật chặt để tránh gió và không để ở nơi ẩm ướt.
Chúc các bạn thành công!
Chào Thủy,
Để kho được món cá ngon thì ngoài việc khéo léo thì bạn cũng cần biết một vài mẹo vặt sau đây nhé!
Ướp cá sao cho chuẩn vị
- Gia vị ướp cá kho cũng không cần quá cầu kỳ, bạn chỉ cần ướp chút mắm ngon, tương, tiêu, bột canh hoặc muối, hành khô băm nhỏ (tùy ý)... rồi ướp trong khoảng thời gian ít nhất 2 giờ cho ngấm. Hơn nữa, ướp trong khoảng thời gian này cũng khiến cá chắc thịt và thơm hơn.
Hoặc các bạn có thể chiên sơ cá để khi kho cá, cá sẽ chắc và không bị nát.
Lưu ý khi kho cá
Thông thường, cá được kho kèm với riềng, nước màu, nước dừa, ớt, dầu ăn. Nếu muốn thịt cá béo thơm hơn, các bạn có thể cho thêm một ít thịt ba chỉ hay củ cải, rau dưa kho cùng. Đảm bảo, hương vị cá kho hấp dẫn hơn nhiều.
Khi kho, các bạn cho cá cùng các nguyên liệu kho kèm vào trong nồi. Riềng, hoặc thịt xếp xen kẽ với cá. Trước tiên đun cá sôi lên rồi mới hạ lửa, đun liu riu cho đến khi cá chín mềm là được. Trong quá trình này, nếu phải thêm nước thì bạn chỉ nên thêm nước nóng, không cho nước lã (nước lã khiến cá kho bị tanh). Khi gần được có thể thêm ớt, tiêu... cho dậy mùi.
Với những mẹo nhỏ trên đây mong rằng bạn sẽ có được nồi cá kho thơm ngon, ưng ý mà màu sắc bắt mắt, vị vừa miệng và hợp khẩu vị gia đình, giúp bạn có bữa cơm ngon miệng nhé!
Chào Quang Tường;
Không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt được xem là thiên đường du lịch đâu nhé! Bởi vì ngoài những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp thì nơi đây còn là thiên đường ẩm thực của rất nhiểu món ăn ngon hấp dẫn khác. Ngoài những món vừa nêu trên thì bạn còn có thể thưởng thức thêm nhiều món ăn khác cũng khá thú vi, chẳng hạn như món lẩu bò bò tiềm Yersin.
Lẩu bò tiềm Yersin được bán nhiều ở các quán ăn trên đường Yersin Đà Lạt. Đó là sự kết hợp vô cùng tinh tế và đầy sáng tạo của người dân thành phố sương mờ. Lẩu là cách thức chính của món ăn và tiềm là phương pháp chế biến nhằm làm tăng độ đậm đà. Món ăn Đà Lạt này được chế biến công phu, bò phải được chọn là bò tươi, hầm thật mềm và nhừ trên ngọn lửa nhỏ.
Thịt bò được nấu với Đông dược theo công thức gia truyền và cách nêm nếm bí mật. Với những người lần đầu tiên nếm thử, mon ăn sẽ chinh phục bạn hoàn toàn bởi hương vị cay nhẹ, đậm đà, độ ngọt của vị thịt bò và mặn mà của nhiều gia vị khác.
Không chỉ ngon, lẩu bò tiềm Yersin còn vô cùng bổ dưỡng cho sức khỏe, có thể hỗ trợ xương khớp, giảm nhức mỏi, mát gan và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
Lẩu bò tiềm Yearsin xuất sắc khi ghi tên mình vào top những món ăn ngon ở Đà Lạt. Vì thế khi đến đây, bạn đừng bỏ qua món ăn vừa ngon, vừa bổ dưỡng này nhé!
Chào Tiên,
Mần đá Sa Pa là một loại rau rất sạch và ngon, chỉ xuất hiện trên mảnh đất Sa Pa và đây là món ăn thường ngày của người dân địa phương. Người dân đia phương gọi đây là cải mầm đá vì loại rau này có hình dáng trông giống như rau cải ngồng nhưng to hơn, với nhiều nhánh mọc xung quanh giống như hình tháp nhọn. Điều đặc biệt nữa ở loại cải này là khi thời tiết càng lạnh, mầm đá càng ngọt càng ngon hơn.
Món cải mầm đá mọc trên đỉnh núi đá cao và chỉ phát triển vào mùa lạnh. Hàng năm, khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 dương lịch, cải mầm đá phát triển mạnh nhất. Cải mầm đá Sapa có vị ngọt dìu dịu, thơm nhẹ. Đặc biệt, mầm đá chỉ có thể xào với mỡ lợn trên lửa củi pơmu, được dân sành ăn tôn là đệ nhất món. Nếu xào cải với dầu thực vật hay với những loại mỡ khác thì mầm đá tự nhiên chuyển sang màu vàng và không có mùi thơm.
Cách chế biến cải mầm đá đơn giản. Người làm chỉ cần nhúng sơ qua nước nóng là có thể ăn được. Tuy nhiên, luộc là cách nấu phổ biến nhất. Cách chế biến này phù hợp cho những ai thích thưởng thức hương vị thuần khiết của nó. Khi ăn, loại cải này thường được người dân địa phương chấm với nước mắm trứng hoặc với vừng lạc thì quả rất tuyệt vời.
Món ngon quê Việt vừa gửi đến bạn một vài thông tin về loại cải này, hy vọng bạn sẽ có cơ hội ghé thăm thị trấn Sa Pa xinh đẹp và thưởng thức loại cải này nhé!
Chào bạn!
Nếu nhắc đến cơm gà Hội An thì bạn có thể tham khảo ngay 2 địa chỉ sau đây nha:
Cơm gà Bà Buội
Đ/C: Số 22 Phan Chu Trinh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Quán có không gian ấm cúng, đậm chất cổ xưa, nổi tiếng với thương hiệu được truyền đời trong gia đình từ những năm 50 của thế kỷ 20.
Nghe những vị khách lâu năm của quán kể lại rằng, trước đây, món cơm gà này được bà chủ quán với tên gọi là Buội gánh rong đi bán trong chợ, rồi dần dần khi có lượng khách đông, gia đình bà chuyển đến đường Phan Chu Trinh mở cửa tiệm. Với bí quyết gia truyền cùng tài nghệ nấu ăn độc đáo, Cơm gà Bà Buội luôn thu hút đông đảo thực khách, không chỉ khách quen tại thành phố du lịch Hội An mà cả du khách trong nước và quốc tế.
Thành phần chủ yếu của cơm gà tại quán bà Buội bao gồm: gạo tẻ, thịt gà luộc và các loại rau thơm tươi mới được mua tại vườn rau nức tiếng của làng rau Trà Quế để ăn kèm. Theo như chủ quán tiết lộ thì gà ở đây phải thuộc loại gà ta thả vườn, đã đẻ một lứa trứng, chính điều đó làm cho thịt gà chắc, dai và hương vị thì độc đáo, đậm đà. Gạo để nấu cơm cũng là loại gạo cũ, để ít nhất từ một năm trở lên.
Tất cả nguyên liệu đó được chế biến rất tỉ mỉ và cầu kì. Gà sau luộc chín sẽ được lọc lấy xương, phần xương này sẽ được ninh trong nước dùng để tạo hương vị thơm ngon. Gạo thì được ngâm với nghệ sau đó vo cho sạch, đem nấu với nước dùng cùng mỡ gà, khi cơm chín mỡ gà tự tan chảy giúp cơm tơi và thơm ngậy hơn.
Quán cơm gà bà Buội thường mở cửa lúc 10h30 sáng và đóng cửa lúc 20h00 tối, trung bình một suất cơm có giá 35.000 - 50.000 đồng.
Cơm gà Bà Hương
Đ/C: Số 56 đường Lê Lợi, thành phố Hội An.
Khác với quán cơm gà bà Buội, cơm gà Bà Hương chỉ bán vào buổi tối. Gạo để nấu cơm tại quán cũng là loại gạo ngon, sau khi vo sạch sẽ nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà là loại gà ta còn tơ, mang lại cảm giác dai, chắc chứ không bở, da mỏng thịt ngon. Gà luộc xong được xé phay bóp với hành tây, hành phi, muối và rau răm và ăn cùng nước dùng được chế biến theo bí quyết riêng. Chính vì thế, cơm gà tại đây củng được rất nhiều thực khách yêu thích.
Chúc bạn có một chuyến hành trình khám phá Hội An thật vui và nhiều trải nghiệm thú vị với món Cơm gà Hội An trứ danh.
Chào Tuấn Anh;
Hạt đát nghe khá lạ nhưng chính là đặc sản Nha Trang, góp phần làm phong phú thêm thế giới ẩm thực của thành phố biển.
Hột đát còn có tên gọi khác là hột đác hay hạt đoác. Loại hạt này chỉ xuất hiện ở dải đất miền Trung nắng gió và tập trung nhiều nhất chính tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.
Hạt đát có vị béo, bùi vô cùng ngon miệng lại có chứa nhiều chất dinh dưỡng như: acid lauric, chloride, kali, magie, sắt, natri, canxi và phố pho… tốt cho sức khỏe. Chính vì thế, hột đát có công dụng giải nhiệt cơ thể, làm đẹp da, ngăn ngừa loãng xương, hỗ trợ tim mạch, tiêu hóa và bổ sung năng lượng cho cơ thể. Qua đôi bàn tay khéo léo của những con người Nha Trang, hạt đát sẽ được chế biến thành nhiều món ngon khiến các thực khách mê mẩn như: yaourt hột đát, chè hột đát đậu xanh, chè hột đát đậu đen, cocktail hột đát,… Đây đều là những món ăn đặc sản Nha Trang được các du khách yêu mến.
Xin thông tin đến bạn nhé!
Chào bạn Trị,
Món bê thui Cầu Mống có nguồn gốc từ một ngôi làng nhỏ nằm trên quốc lộ 1A thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20km bạn nhé!
Nhiều du khách du lịch đi ngang qua đây sẽ không khỏi ngạc nhiên vì thấy rất nhiều quán treo đùi bê bên ngoài trông vô cùng hấp dẫn. Trước đây bê được thui bằng củi dâu nên thịt thơm ngọt, khi thui phải thêm lửa sao cho thịt bê khỏi bị cháy, không quá sống nhưng cũng không quá chín, giữ được màu hồng của thịt bê. Bây giờ người ta thui bê bằng than, nhưng thịt bê thui Cầu Mống vẫn giữ được đúng hương vị vốn có và luôn là món ăn danh bất hư truyền, đặc sản Đà Nẵng.
Chào Tuấn,
Tới phố cổ Hội An, ngoài việc đắm chìm trong không gian cổ kính, lãng mạn của những dãy nhà hàng trăm năm tuổi, lễ hội hoa đăng nhộn nhịp cùng với hàng ngàn đèn lồng treo cao khắp phố, bạn còn phải nếm thử qua những món ngon hấp dẫn của phố cổ Hội An. Đặc biệt là 12 món ăn này bạn nhé!
+ Cơm gà Hội An
+ Bánh bèo Hội An
+ Bánh đập – hến xào
+ Bánh mì Hội An
+ Bánh bao bánh vạc
+ Chè ngô
+ Bánh đậu xanh Hội An
+ Rượu Hồng Đào
+ Bánh Tổ Quảng Nam
+ Bánh thuẫn
+ Mì Quảng
+ Bánh ít lá gai
Nào hãy trải nghiệm một chuyến du lịch tràn ngập niềm vui và thưởng thức ngay những món ăn hấp dẫn này bạn nhé!
Chào Chị Hà;
Để nấu được món bò kho thơm ngon mà không bị dai thì Chị có thể tham khảo thêm các bài hướng dẫn ngay sau đây nhé!
Nguyên liệu để thực hiện cách nấu bò kho cho 6 người:
+ 600g nạm bò
+ 1 nhánh gừng
+ Nửa bát con rượu trắng
+ 2 củ cà rốt
+ Hành khô 2 củ, tỏi 3 củ, sả 3 nhánh
+ Hạt nêm, hạt tiêu, đường, bột bò kho
+ 3 thìa canh dầu điều
+ 10g bột năng
+ 2 cánh hoa hồi, 2 thanh quế
+ 3 nhánh hành lá, 10g ngò ( rau mùi)
Cách nấu bò kho cho 6 người:
Sơ chế nguyên liệu
- Hòa nửa bát con rượu trắng với gừng đập dập, băm nhỏ xát đều lên miếng thịt bò, sau đó tráng miếng thịt bò qua nước sôi để khử sạch mùi hôi của miếng thịt.
- Thái miếng thịt bò kho thành những miễng vuông vừa ăn.
- Cắt thịt bò thành miếng vuông vừa ăn, sau đó ướp thịt bò với 2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê bột bò kho, 1 thìa canh dầu điều, đảo đều, để thịt bò ngấm gia vị trong vòng 30 phút.
- Hành khô, tỏi. sả bóc vỏ băm nhỏ.
- Cà rốt nạo vỏ rửa sạch, dùng 1 củ để tỉa hoa, 1 củ thái miếng vuông dày.
- Hoa hồi và quế rang sơ.
Các bước làm món bò kho:
- Phi thơm tỏi, hành, sả băm nhỏ, cho thịt bò vào đảo đều, sau đó cho thêm hai thìa canh dầu điều để tạo màu cho món bò kho, đảo đến khi thịt bò săn lại cho nước ngập miếng thịt bò, hoa hồi, quế vào đun sôi.
- Sau đó hầm thịt bò với lửa nhỏ đến khi thịt chín mềm, vớt bỏ hoa hồi, quế và cho nêm thêm gia vị cho vừa ăn.
- Hòa bột năng với nửa bát con nước lạnh đổ từ từ vào nồi thịt bò kho
- Cho cà rốt vào hầm cùng thịt bò.
- Hòa bột năng với nửa bát con nước lạnh đổ từ từ vào nồi thịt bò kho, đun thêm một lúc rồi tắt bếp.
- Múc thịt bò ra bát cho thêm hành, ngò, trang trí bằng hoa cà rốt.
Lưu ý khi thực hiện cách nấu bò kho:
+ Thịt bò nên chọn phần nạm bò có thêm chút gân để món bò kho khi ăn dai dai, giòn giòn vừa miệng.
+ Khi kho thịt bò, bạn tận dụng phần thân sả còn bên trên, đập dậm cho vào để tạo mùi thơm cho món thịt bò kho.
+ Trong quá trình kho đun với lửa nhỏ, không để nước kho quá cạn, nếu cạn nước cho thêm một chút nước sôi vào đế làm miếng thịt bò mềm mà không khô.
Chúc bạn sẽ có được một tô bò kho thật ngon với công thức mà Món ngon quê Việt vừa hướng dẫn nhé!
Chào bạn Nhung;
Để thực hiện cách làm cật heo xào ớt chuông ngon và đơn giản, trước hết các bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu cần có để làm món cật heo xào ớt chuông như sau:
Nguyên liệu làm cật heo xào ớt chuông
+ Cật heo: 3 trái
+ Ớt chuông xanh: 1 quả
+ Ớt chuông đỏ: 1 quả
+ Hành lá phần củ trắng
+ Gừng: 1 củ
+ Tỏi: 1 củ
+ Rượu trắng: 3 thìa
+ Bột ngô: 1 thìa
+ Gia vị: Nước tương, đường, dầu mè, giấm.
Sơ chế nguyên liệu làm cật heo xào ớt chuông
- Cật heo mua về rửa thật sạch, bổ dọc đôi rồi tách bỏ phần phần sậm đỏ và trắng ở giữa đi. Sau đó khứa vảy rồng đều lên bề mặt cật heo, rồi thái thành từng miếng vừa ăn để món ăn đẹp mắt và hấp dẫn hơn.
- Hành lá phần củ trắng cắt bỏ rễ, rửa sạch, rồi băm nhỏ.
- Ớt chuông xanh, đỏ rửa sạch, thái thành từng miếng vừa ăn.
- Gừng, tỏi bóc bỏ vỏ, rửa sạch, băm nhỏ, gừng thái sợi.
- Bột ngô cho ra đĩa để riêng.
Các bước nấu cật heo xào ớt chuông
Đầu tiên, bạn chần qua cật heo với nước cho bớt mùi hôi.
* Bước 1: Đầu tiên của cách làm cật heo xào ớt chuông, bạn chuẩn bị 1/2 bát nước to cho thêm 1 thìa muối, 3 thìa rượu trắng, rồi dùng đũa khuấy thật đều để cho các nguyên liệu tan hết trong nước. Sau đó cho cật heo thái miếng vào bát nước và ngâm khoảng 10-15 phút rồi vớt ra rửa sạch rồi để ráo nước.
* Bước 2: Bắc nồi nước nhỏ lên bếp đun sôi, rồi cho cật heo vào chần sơ qua khoảng 5 phút cho cật heo chín tái. Bạn không nên luộc cật heo quá lâu sẽ làm cật bị cứng, khô và mất đi vị ngon của món ăn. Tiếp theo, ớt chuông xanh, đỏ rửa sạch, thái thành từng miếng vừa ăn.
* Bước 3: Làm nước sốt:
Cho vào bát con 40ml nước tương, 3 thìa giấm, 1/2 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê đường, 2 thìa cà phê dầu mè, 1 thìa cà phê bột ngô, rồi dùng đũa khuấy đều các nguyên liệu hòa quyện lại với nhau và tan hoàn toàn là được.
* Bước 4: Đặt chảo lên bếp, đổ dầu ăn vào đun nóng, rồi cho đầu hành, tỏi, gừng thái chỉ vào phi thơm. Sau đó cho ớt chuông đỏ, xanh vào xào với lửa to để ớt chuông giữ được độ giòn và màu sắc tươi ngon hơn.
* Bước 5: Khi ớt chuông chín tới, bạn hạ nhỏ lửa rồi cho cật heo vào đảo cùng cho đến khi các nguyên liệu chín đều thì cho hỗn hợp nước sốt vào đun chung khoảng 5 phút.
* Bước 6: Cuối cùng của hướng dẫn làm cật heo xào ớt chuông, bạn nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Vậy là bạn đã hoàn thành cách làm cật heo xào ớt chuông ngon, hấp dẫn cho gia đình rồi, giờ thì xúc món ăn ra đĩa thưởng thức ngay thôi nào.
Chúc bạn thành công với món ăn này nhé!
Chào Thúy Hồng,
Bạn có thể tham khảo cách nấu món cà ri bò sau đây nhé!
Nguyên liệu cho món cari bò:
+ Bò bắp: 300g
+ 1 củ cà rốt
+ 2 củ khoai tây
+ 1 củ hành tây
+ Sả, sữa tươi, nước cốt dừa (tươi hoặc đóng hộp)
+ bột cari, bột năng.
+ Gia vị: nước tương, muối, bột nêm, đường, tiêu, tỏi, dầu ăn.
+ Rau húng tươi, bánh mì ăn kèm.
Cách chế biến:
– Thịt bò cắt miếng vừa ăn, có thể cắt thành cục hoặc lát. Ướp với 1 ít nước tương, hạt nêm, đường, tiêu, tỏi băm, 1 ít bột cari.
– Rau củ quả gọt vỏ rửa sạch, cắt thành miếng vừa ăn. Sả băm nhỏ. Hành tây: ½ củ thái múi cau, nửa còn lại cắt hạt lựu.
– Cà rốt, khoai tây có thể chiên sơ qua nếu muốn.
– Bắt chảo lên, cho 1 ít dầu vào, dầu nóng phi thơm tỏi băm, sau đó cho bỏ vào đảo nhanh tay, lửa to. Khoảng 30 giây tắt lửa.
– Xào xơ hành tay cắt hạt lựu với sả băm, bôt cari. Sau đó cho nước vào vừa ăn, cho carot, khoai tây, thịt bò xào sơ vào nấu cho đến khi mềm.
– Cho nước cốt dừa, sữa tươi vào, nêm vừa ăn. Sau khi cho sữa vào không nên nấu quá lâu trên lửa vì sữa dễ bị hủy.
– Khuấy 1 ít bột năng với nước lạnh, cho vào từ từ đến khi nào đạt độ sánh mong muốn.
– Tắt lửa, múc ra bát, cho ít rau húng, tiêu lên trên. Ăn kèm bánh mì, bún hay cơm đều được.
Chúc bạn thành công với món cà ri bò nhé!
Chào Chị Dung;
Để nấu được món lẩu mắm ngon đúng điệu mà không bị quá mặn thì Chị cần phải bỏ nguyên liệu mắm vào trước, dùng muỗng khuấy đều, nếm thử qua xem đã vừa miệng hay chưa, sau đó mới tiến hành nêm thêm các gia vị vào nhé! Tránh trường hợp nêm gia vị trước rồi mới cho mắm vào thì rất khó để ước lượng được vị mặn của món lẩu.
Chị có thể xem thêm video hướng dẫn cách nấu lẩu mắm của kênh Món ngon quê Việt để hiểu rõ hơn nhé! Chúc Chị Dung thành công với món lẩu mắm miền Tây thơm ngon của mình!
Hotline
Hotline