Có thể nói, không riêng Việt Nam hay Trung Quốc mà hầu như ở các quốc gia nông nghiệp lúa nước khắp Châu Á, ánh trăng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, liên quan đến các lễ nghi về lịch tiết và những lễ hội lớn. Chính vì thế vào đêm rằm tháng 8 âm lịch, hình ảnh vầng trăng tròn còn thấp thoáng trong những chiêc bánh trung thu như một cách để tôn vinh và bày tỏ lòng biết ơn đối với đất trời. Trẻ con thắp sáng những chiếc đèn lung linh ngoài ngõ; người lớn mời nhau tách trà hoa lài, hoa cúc thơm lừng; cùng thưởng thức vị bánh nướng ngọt thanh, hàn huyên trò chuyện và ngắm trăng. Một không gian thật ấm áp và thanh bình, do đó Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.
Hòa theo nhịp sống hiện đại, bánh Trung thu ngày nay có nhiều hình thức khác nhau từ bánh nướng, bánh dẻo cho đến bánh Trung thu làm bằng thạch rau câu lạ miệng. Nhưng đậm đà và mang hương vị quyến rũ nhất vẫn là những chiếc bánh nướng thuần túy.
Trong ấn phẩm mùa thu này, TST tourist xin trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả bí quyết làm nên những chiếc bánh Trung thu thơm ngon. Tập đặc biệt, làm Bánh Trung thu cùng chuyên gia ẩm thực Hiền Minh được phát sóng trong chương trình truyền hình “Món ngon Quê Việt” do TST tourist phối hợp sản xuất và phát sóng vào lúc 16h00 – 16h15 trên kênh HTV9 ngày 9/9/2018 (nhằm ngày 30/7 âm lịch năm Mậu Tuất).
Phần vỏ bánh:
+ 300 – 320g bột mì số 8
+ 200g đường nấu
+ 1 lòng đỏ trứng gà
+ 50ml dầu phộng
+ 100g bột nếp sấy
Phần nhân:
+ ½ kg đậu xanh
+ 400g đường cát
+ 100g mạch nha
+ 200ml dầu ăn
+ 200ml lá dứa xay nhuyễn
+ Hỗn hợp trứng quét vỏ bánh
Làm vỏ bánh
Trộn đều hỗn hợp gồm 50ml dầu phộng, 1 lòng đỏ trứng vịt, 200g nước đường nấu và 250g bột mì số 8 (loại bột chuyên dụng để làm bánh Trung thu), nhồi thật kỹ cho hỗn hợp trộn đều vào nhau. Sau đó, cho bột nghỉ khoảng 5 giờ để bánh khi ép vào khuôn sẽ được định hình đẹp hơn.
Lưu ý khi nấu nước đường:
Để phần nước đường có độ sệt và không quá ngọt, cần phải nấu đúng định lượng: 1 kg đường tương ứng với ½ lít nước. Sau 30 phút, cho thêm 15ml nước cốt chanh vào, tiếp tục nấu với lửa nhỏ cho đến khi nước đường sánh lại, mang đi cân còn khoảng 1,2kg là được. Để phần nước đường này qua 2 ngày thì có thể sử dụng.
Làm nhân bánh
Đầu tiên, cần ngâm đậu xanh trong 2 giờ đồng hồ, sau đó nấu đến khi chín mềm thì tắt bếp, để nguội. Tiếp theo, xay nhuyễn hỗn hợp gồm: 200ml nước cốt lá dứa, 400g đường cát và phần đậu xanh đã chuẩn bị. Cho hỗn hợp này vào chảo, thêm vào 100g mạch nha, 3g muối rồi bắt đầu sên đều tay. Lưu ý, sên trên bếp để lửa nhỏ trong khoảng từ 45 phút – 1 giờ.
Sau đó, trộn đều 200ml dầu ăn, 100g bột nếp sấy (bột bánh dẻo), 50g bột mì số 8 rồi cho vào chảo đang sên phần nhân lá dứa, đảo đều tay để tất cả hỗn hợp khô lại và có độ dẻo mịn. Khi phần nhân bánh đã khô thì tắt bếp để nguội.
Trứng vịt muối chỉ sử dụng phần lòng đỏ, rửa sạch bằng rượu trắng, để ráo và cho vào lò nướng ở 150oC trong khoảng từ 6 – 7 phút.
Lưu ý: Chia trọng lượng vỏ và nhân bánh theo tỷ lệ 1/3
Để bánh Trung thu đẹp mắt và có tỷ lệ vỏ - nhân chính xác, nên dùng cân để chia khối lượng từng phần. Vỏ bánh chiếm 1/3 trọng lượng nên nếu làm bánh Trung thu 150g thì phần bột vỏ là 50g, nhân là 80g và 1 lòng đỏ trứng muối. Tiếp theo, tán mỏng phần nhân và cho trứng muối vào bên trong, gói lại thật kỹ. Vẩy một lớp bột áo, dùng chày cán phần bột vỏ bánh, cho nhân vào vo tròn sao cho lớp vỏ phủ đều khắp phần nhân. Sau đó, lăn qua một lớp bột áo mỏng để bánh không bị dính. Quét một lớp bột mì lên khuôn và tiến hành tạo hình cho bánh.
Nướng bánh trung thu
Cho khay bánh vào lò nướng ở nhiệt độ 180 – 200oC trong 15 phút. Khi bánh chín ngả màu sang vàng nâu thì lấy ra, dùng bình xịt một ít nước pha rượu trắng lên mặt bánh để tránh ẩm mốc.
Khi bánh nguội, quét một lớp mỏng hỗn hợp gồm cả lòng đỏ và lòng trắng trứng vịt lên bề mặt bánh rồi cho vào lò nướng thêm 8 – 10 phút nữa là hoàn thành.
Bánh trung thu mới ra lò sẽ có màu nâu vàng đẹp mắt, vỏ bánh giòn, nhân dẻo mềm, dậy mùi thơm của tất cả nguyên liệu. Tuy nhiên, bánh sẽ ngon hơn khi để sau 3 ngày vì lúc đó vỏ bánh có độ mềm vừa phải, thoảng vị dầu phộng, thơm nồng hương lá dứa.
Hãy cùng chương trình truyền hình ẩm thực “Món ngon Quê Việt” vào bếp để tự tay làm nên những chiếc bánh Trung thu đậm đà hương vị truyền thống Việt Nam, một món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng cho gia đình, bạn bè. Mọi người sẽ có dịp quây quần bên mâm cổ, thưởng thức bánh Trung thu trong đêm trăng rằm với tách trà nóng, râm ran những câu truyện vui, cảm nhận trọn vẹn phong vị tuyệt vời của ngày Tết đoàn viên - Tết của yêu thương.