+ 1kg nếp cái hoa vàng
+ 1/2kg đậu xanh
+ 1,5kg thịt ba rọi
+ 30 lá dong lớn
+ Dây lạt
+ Gia vị nêm nếm: tiêu, muối, hạt nêm.
- Bánh chưng của miền Bắc và bánh tét của miền Nam có thành phần nguyên liệu khá giống nhau nhưng lại có sự khác biệt rất lớn về hình thức bên ngoài và hương vị đặc trưng. Nếu như bánh tét, ngoài thịt mỡ còn được biến tấu thêm nhiều loại nhân hấp dẫn khác như: lòng đỏ trứng muối, tôm khô và còn có cả bánh tét nhân ngọt. Thì bánh chưng thường chỉ chế biến theo cách truyền thống, giữ trọn hương vị mộc mạc của các nguyên liệu và không sử dụng nước cốt dừa để tạo thêm độ béo cho bánh.
- Nếu không có nếp cái hoa vàng, bạn có thể thay thế bằng nếp ngỗng hoặc nếp thái. Nhưng bánh chưng ngon và chuẩn vị phải là nếp cái hoa vàng, hạt dẻo và rất thơm.
Sơ chế và ướp các nguyên liệu
- Nếp vo sạch và ngâm qua 8 giờ đồng hồ trước khi sử dụng. Lá dong rửa sạch và và lau khô các mặt lá. Đậu xanh vo sạch và ngâm cho nở trong khoảng 2 giờ.
- Tiếp theo, tiến hành trộn đều 1kg nếp với 2 muỗng cà phê muối và cho ra một rổ to để ráo nước. Trọn đều 1/2 kg đậu xanh với 1 muỗng cà phê muối.
- Cắt thịt thành từng miếng khoảng 200g, dài khoảng 8 - 10cm, phù hợp với kích thước của khuôn gói bánh. Nên chọn thịt ba rọi có cả nạc lẫn mỡ để bánh không bị khô và ngon hơn. Với 1,5kg thịt ba rọi sẽ gói được khoảng 7 - 8 bánh.
- Ướp thịt với 2 muỗng canh tiêu, 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng cà phê hạt nêm, trộn đều tay và ướp trong khoảng 30 phút để thịt thấm hết gia vị. Lưu ý, không ướp thịt với nước mắm vì để lâu bánh sẽ bị chua và mau hư.
Gói bánh chưng bằng khuôn
- Dùng cọng thân lá dong để đo khuôn bánh lấy kích thước chung cho lá. Gấp đôi theo sóng giữa của lá và cắt theo kích thước cọng lá dong vừa đo. Sau đó, xếp lá dong thành nhiều lớp cạnh các góc hình chữ nhật trong khuôn bánh. Nén chặt các nếp gấp lá để bánh được định hình tốt hơn, bánh vuông vức và đẹp mắt.
- Khi xếp lá lưu ý nên để các mặt xanh đậm của lá vào bên trong và mặt xanh nhạt hơn ra bên ngoài để mặt đậm của lá tiếp xúc với nếp sẽ làm cho bánh có được màu xanh tự nhiên.
- Sau khi xếp các lớp lá vào khuôn, đổ 1 chén nếp đầy và gạt đều phần nếp phủ khắp mặt khuôn, ép chặt bốn góc khuôn.
- Tiếp đó cho thêm 1 muỗng canh lớn đậu xanh trải đều lên phần giữa của nếp, cho thịt vào giữa nhân bánh và đổ thêm 1 muỗng canh lớn đậu xanh để phủ trên phần thịt.
- Cuối cùng, đổ thêm 1 chén nếp đầy phủ đều bề mặt bánh, ép chặt nếp trải đều các góc khuôn và gói các lớp lá lại thật gọn gàng.
- Nhấc nhẹ nhàng khuôn bánh và dùng dây lạt cột cố định bánh sao cho đẹp mắt.
Nấu bánh chưng
- Để phần thừa lá dong xuống đáy nồi, cho bánh vào và đổ nước ngập bánh. Nấu trên bếp than củi hoặc than tổ ong trong 10 tiếng, cứ 1 - 2 tiếng thì kiểm tra mực nước và châm thêm vào.
- Sau khi chín, bắt bếp ra khỏi lò, đợi nước nguội thì vớt bánh ra và rửa qua với nước lạnh. Xếp bánh chưng thành 2 - 3 hàng chồng lên nhau, đặt 1 tấm ván nặng lên trên bề mặt bánh để ép phần nước thừa còn trong bánh, giúp bánh chưng mau khô và chắc hơn.
Bánh chưng ngon phải được nấu bằng tình yêu dành cho món bánh truyền thống Tết Việt và bằng chính kinh nghiệm của những người thợ lành nghề. Đặc biệt, bánh ngon còn là do người thưởng thức cảm nhận được trọn vẹn không khí háo hức chuẩn bị và sự chung tay của tất cả các thành viên trong gia đình, cùng nhau làm nên những chiếc bánh chưng thơm ngon trong những ngày đầu xuân. Dù có đi khắp muôn nơi, hương vị đặc biệt của bánh chưng vẫn khiến ta phải nhung nhớ tìm về.